Cầu chì là gì? Phân loại, cấu tạo và cách lựa chọn cầu chì chính xác nhất

Bởi Dương Nguyễn - 03/02/2024
Cầu chì là gì

Cầu chì là phần điện tử quan trọng trong các mạch điện, có vai trò bảo vệ mạch điện khỏi tình trạng quá tải, chập mạch hay các sự cố khác. Vậy cầu chì là gì? Nguyên lý hoạt động và cấu tạo của cầu chì gồm những gì? Cùng Lumi tìm hiểu trong bài viết sau.

1. Cầu chì là gì?

Cầu chì hay còn gọi là khí cụ điện, là một thiết bị bảo vệ mạch điện, giúp ngăn ngừa nguy cơ ngắn mạch và cháy nổ. Thiết bị này được kết nối trực tiếp vào hệ thống điện để ngắt dòng khi có sự cố, giúp bảo vệ các thiết bị điện.

Cầu chì là gì
Cầu chì, hay còn gọi là khí cụ điện, là một thiết bị bảo vệ mạch điện

Cầu chì thường được làm từ các kim loại có điểm nóng chảy thấp như thiếc, chì, và cadimi. Khi dòng điện vượt quá mức cho phép, dây chì sẽ nóng chảy và ngắt mạch, ngăn dòng điện tiếp tục lưu thông và tránh nguy cơ cháy nổ. Ngoài ra, do có cấu trúc đơn giản, kích thước nhỏ và giá thành hợp lý, cầu chì được sử dụng rộng rãi trong các hệ thống điện hiện đại.

2. Cấu tạo của cầu chì gồm những gì?

Dù đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ mạch điện, nhưng cầu chì có cấu tạo đơn giản với các thành phần chính sau:

Cấu tạo của cầu chì
Cấu trúc của cầu chì khá đơn giản, chủ yếu bao gồm một dây chì nối hai đầu dây dẫn trong mạch điện
  • Dây chì:

Đây là bộ phận quan trọng nhất của cầu chì, thường được làm từ kim loại có điện trở suất thấp như bạc, đồng, hoặc thiếc… và mắc nối tiếp với hai đầu dây dẫn trong mạch điện. Khi dòng điện vượt quá mức an toàn, dây chì sẽ nóng chảy và đứt, ngắt dòng điện để bảo vệ mạch điện và thiết bị khỏi bị hư hại cũng như ngăn ngừa các sự cố cháy nổ do quá tải điện.

  • Phần tử ngắt mạch

Đây là bộ phận cảm nhận giá trị dòng điện và đảm nhiệm chức năng ngắt mạch khi dòng điện vượt ngưỡng cho phép. Phần tử ngắt mạch thường được thiết kế dưới dạng dây hoặc băng mỏng và được làm từ các kim loại có nhiệt độ nóng chảy thấp.

  • Vật liệu lấp đầy

Vật liệu lấp đầy bao quanh phần tử ngắt mạch trong thân cầu chì, có chức năng hấp thụ năng lượng sinh ra khi ngắt mạch (tạo hồ quang), đồng thời duy trì tính cách điện để ngăn dòng điện tiếp tục lưu thông. Thông thường, vật liệu lấp đầy được làm từ silicat dạng hạt, giúp giảm thiểu sự cố do ngắn mạch.

  • Thân cầu chì

Thân cầu chì được làm từ các vật liệu cách điện có độ bền cơ khí và nhiệt tốt, như thủy tinh, ceramic, hoặc sứ. Phần thân này chịu được sự thay đổi nhiệt độ và tác động bên ngoài mà không gây ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của cầu chì.

  • Các đầu nối

Đây là phần cố định cầu chì trong hệ thống điện, giúp đảm bảo tiếp xúc điện tốt và vững chắc. Các đầu nối có thể được thiết kế và làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau, tùy thuộc vào loại cầu chì và yêu cầu sử dụng.

  • Hộp giữ cầu chì

Đây là phần bảo vệ bên ngoài, giữ cố định các thành phần của cầu chì và giúp việc lắp đặt dễ dàng hơn. Hộp giữ cầu chì có thể được thay đổi tùy theo mục đích thẩm mỹ và yêu cầu của từng loại cầu chì.

3. Cầu chì hoạt động như thế nào?

Cầu chì hoạt động dựa trên nguyên lý uốn cong hoặc tự chảy để ngắt mạch điện khi dòng điện vượt quá giới hạn an toàn. Quá trình hoạt động của cầu chì sẽ diễn ra như sau:

  • Trong điều kiện bình thường: Khi dòng điện trong mạch ở mức an toàn (dòng định mức), cầu chì cho phép dòng điện chạy qua mạch một cách bình thường và thiết bị điện hoạt động ổn định.
  • Khi xảy ra quá tải hoặc ngắn mạch: Nếu dòng điện tăng vượt mức an toàn, nhiệt độ của dây chì bên trong cầu chì sẽ tăng lên. Do dây chì được làm từ kim loại dễ chảy như thiếc hoặc chì, nên khi nhiệt độ quá cao, nó sẽ chảy và đứt. Quá trình này làm ngắt dòng điện, cắt mạch và ngăn chặn dòng điện tiếp tục chạy qua.
Cầu chì hoạt động dựa trên nguyên lý uốn cong hoặc tự chảy để ngắt mạch điện
Cầu chì hoạt động dựa trên nguyên lý uốn cong hoặc tự chảy để ngắt mạch điện

Ngoài ra, khi dây chì tan chảy, có thể tạo ra phản ứng hồ quang điện (một tia lửa nhỏ). Do chứa vật liệu lấp đầy, cầu chì sẽ hấp thụ năng lượng từ hồ quang này và dập tắt, đảm bảo mạch được ngắt hoàn toàn.

4. Các loại cầu chì phổ biến 

Điểm danh một số loại cầu chì phổ biến, được ưa chuộng nhất hiện nay ngay dưới đây!

4.1. Cầu chì ống thủy tinh 

Cầu chì ống thủy tinh là loại cầu chì phổ biến nhất, thường được sử dụng trong các thiết bị điện gia đình. Loại này có thiết kế nhỏ gọn, dễ lắp đặt, và có định mức dòng điện phù hợp với nhu cầu dùng điện tại hộ gia đình.

Cầu chì ống thủy tinh
Cầu chì ống thủy tinh là loại cầu chì phổ biến nhất, thường được sử dụng trong các thiết bị điện gia đình

Với kích thước đa dạng, cầu chì ống thủy tinh giúp bảo vệ các thiết bị điện khỏi nguy cơ quá tải và ngắn mạch, đảm bảo an toàn cho hệ thống điện trong nhà.

4.2. Cầu chì ống sứ 

Cầu chì ống sứ được sử dụng cho các ứng dụng cần dòng điện lớn hơn, như trong các nhà máy công nghiệp hoặc hệ thống điện cao áp. Cấu tạo từ sứ giúp loại cầu chì này cách điện tốt và chịu được nhiệt độ cao, nhờ đó có thể hoạt động hiệu quả trong môi trường khắc nghiệt.

Cầu chì ống sứ
Cầu chì ống sứ được sử dụng cho các ứng dụng cần dòng điện lớn hơn

Đặc biệt, cầu chì ống sứ có khả năng ngắt mạch nhanh chóng khi có sự cố, giúp bảo vệ các thiết bị điện công suất lớn khỏi nguy cơ cháy nổ mất an toàn.

4.3. Cầu chì lá (kiểu lưỡi dao) 

Loại cầu chì này có thiết kế dạng lưỡng dao, nhỏ gọn, sử dụng chất liệu nhựa cách điện và 2 chân cắm để phù hợp cho ổ cắm trên ô tô và một số thiết bị điện tử. Một số loại cầu chì phổ biến là:

  • ATO: Thường được sử dụng trong hệ thống điện của xe hơi và xe tải, dễ dàng thay thế khi cần.
  • ATC: Giống với loại cầu chì ATO nhưng có đầu nối khác nhau.
  • Mini: Đây là loại cầu chì nhỏ nhất, thường dùng cho các thiết bị điện tử có không gian hạn chế.
Cầu chí lá kiểu lưỡi dao
Cầu chì lá (kiểu lưỡi dao) có thiết kế dạng lưỡng dao, nhỏ gọn, sử dụng chất liệu nhựa cách điện

4.4. Cầu chì tự phục hồi (Aptomat)

Cầu chì tự phục hồi, còn gọi là Aptomat, là một thiết bị bảo vệ mạch điện hoạt động tương tự như cầu chì truyền thống nhưng có khả năng tự động đóng lại sau khi sự cố quá tải hoặc ngắn mạch đã được khắc phục. Điều này có nghĩa là, thay vì phải thay thế như cầu chì thông thường sau khi bị đứt mạch, aptomat có thể được tái sử dụng nhiều lần mà không cần thay thế linh kiện.

Aptomat
Aptomat có khả năng tự động đóng lại sau khi sự cố quá tải hoặc ngắn mạch đã được khắc phục

Aptomat hoạt động bằng cách ngắt mạch khi phát hiện dòng điện vượt quá mức cho phép, tương tự cầu chì, nhưng sau đó, khi tình trạng điện trở về bình thường, nó có thể đóng lại mạch và tiếp tục hoạt động bình thường. Điều này giúp giảm thiểu thời gian ngừng hoạt động và chi phí bảo trì, đồng thời mang lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ hệ thống điện.

5. Cách lựa chọn cầu chì

Khi lựa chọn cầu chì, bạn cần đặc biệt chú ý đến các thông số kỹ thuật như điện áp định mức, dòng điện định mức, khả năng cắt (dòng ngắn mạch), đặc tính ampe – giây và khả năng hạn chế dòng điện của cầu chì. Những yếu tố này đảm bảo rằng cầu chì sẽ hoạt động đúng cách trong điều kiện bình thường và khi xảy ra sự cố.

Cách lựa chọn cầu chì
Khi lựa chọn cầu chì, bạn cần đặc biệt chú ý đến các thông số kỹ thuật

Đối với các thiết bị như tụ điện hoặc máy biến áp, cần tính đến dòng điện quá độ. Cụ thể, trong các thiết bị tụ điện, cầu chì nên có dòng điện định mức cao hơn khoảng 1,6 lần dòng điện định mức của tụ, giúp hệ thống hoạt động ổn định ngay cả khi có sự thay đổi về điện áp. Khi chọn cầu chì cho động cơ, cần đặc biệt lưu ý đến dòng khởi động, thường cao hơn nhiều so với dòng vận hành. Cầu chì cần chịu được dòng khởi động trong thời gian ngắn mà không bị đứt. Nếu động cơ khởi động quá thường xuyên, cầu chì phải đủ thời gian nguội giữa các lần ngắt mạch để tránh quá nhiệt và bảo đảm hệ thống không bị ngắt đột ngột.

6. Cách thay thế cầu chì

An toàn là yếu tố quan trọng hàng đầu khi thay thế cầu chì. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, bạn cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Trước khi thực hiện bất kỳ thao tác nào, hãy ngắt nguồn điện chính để tránh nguy cơ điện giật khi thao tác với mạch điện.
  • Sử dụng các dụng cụ như tua vít, kìm có tay cầm cách điện để giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc trực tiếp với dòng điện.
  • Đeo găng tay cách điện và giữ tay khô ráo trong suốt quá trình thay thế nhằm hạn chế rủi ro có thể bị giật điện.
  • Ngoài ra, trước khi tiến hành thay thế cầu chì, bạn cần tháo hết các trang sức kim loại (như nhẫn, vòng tay) để tránh dẫn điện.
Cách thay thế cầu chì
An toàn là yếu tố quan trọng hàng đầu khi thay thế cầu chì

Khi đã đảm bảo an toàn, bạn có thể bắt đầu quá trình thay thế cầu chì theo các bước sau:

  • B1 – Ngắt nguồn điện: Trước tiên, hãy ngắt nguồn điện chính hoặc cầu dao tổng để đảm bảo không có dòng điện nào đang chạy qua hệ thống.
  • B2 Kiểm tra hệ thống điện: Kiểm tra các thiết bị và hệ thống điện trong nhà để xác định rõ nguyên nhân gây cháy cầu chì; từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời để tránh trường hợp sự cố xảy ra thêm một lần nữa.
  • B3 – Tìm vị trí cầu chì bị đứt: Mở hộp điện, tìm vị trí cầu chì bị đứt hoặc cháy. Cầu chì thường được đặt trong hộp cầu dao tổng hoặc công tơ điện.
  • B4 – Chọn cầu chì thay thế: Lựa chọn cầu chì mới có cùng thông số kỹ thuật với cầu chì cũ. Ví dụ, cầu chì cho thiết bị điện gia dụng thường là 5A, cho thiết bị đun nóng là 15-20A, và cho mạch nấu ăn là 30A. Tuyệt đối không dùng cầu chì có định mức cao hơn bởi khả năng ngắt điện khi gặp sự cố là rất thấp.
  • B5 – Thay thế dây cầu chì: Tháo ốc vít ở hai đầu của cầu chì cũ, đặt dây cầu chì mới vào đúng vị trí và luồn qua phần sứ giữa cầu chì. Sau đó, cuộn dây quanh ốc vít và siết chặt lại.
  • B6 – Lắp lại cầu chì: Sau khi đã thay dây cầu chì, lắp lại cầu chì vào hộp điện và bật nguồn điện. Kiểm tra xem hệ thống điện đã hoạt động ổn định chưa.

Lưu ý: Sau khi thay cầu chì, bạn nên chú ý kiểm tra lại hệ thống. Nếu cầu chì tiếp tục bị đứt, điều này có thể do nguồn điện bị quá tải. Trong trường hợp này, bạn cần gọi thợ điện để kiểm tra và khắc phục hiệu quả nhất.

7. Ứng dụng của cầu chì

Nhờ khả năng bảo vệ an toàn, cầu chì là thiết bị không thể thiếu trong hầu hết các hệ thống điện, cụ thể:

Ứng dụng của cầu chì
Nhờ khả năng bảo vệ an toàn, cầu chì là thiết bị không thể thiếu trong hầu hết các hệ thống điện

7.1. Ứng dụng trong các thiết bị điện gia dụng

Cầu chì được lắp trong các thiết bị điện gia dụng như tivi, tủ lạnh, máy giặt hay máy sấy tóc… để ngắt dòng điện khi có sự cố quá tải hoặc ngắn mạch, bảo vệ thiết bị khỏi hư hỏng và giảm nguy cơ cháy nổ.

7.2. Ứng dụng trong hệ thống điện công nghiệp

Cầu chì cũng được sử dụng rộng rãi trong các hệ thống điện công nghiệp như máy biến áp và động cơ điện nhằm bảo vệ các thiết bị này khỏi bị hư hại do dòng điện quá tải, đảm bảo an toàn và sự vận hành ổn định của hệ thống.

7.3. Ứng dụng trong ô tô, xe máy

Ô tô và xe máy cũng sử dụng cầu chì để bảo vệ hệ thống điện, bao gồm hệ thống đèn, còi, điều hòa và các thiết bị điện tử khác. Khi có sự cố về điện, cầu chì sẽ ngắt dòng để ngăn ngừa hư hỏng.

Hộp cầu chì ô tô
Hộp cầu chì ô tô

7.4. Các ứng dụng đặc biệt khác

Cầu chì còn được sử dụng trong các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, máy in, và trong hệ thống năng lượng như pin và màn hình LCD nhằm đảm bảo an toàn cho các thiết bị khỏi sự cố chập, cháy điện.

Ứng dụng của cầu chì
Nhờ khả năng bảo vệ an toàn, cầu chì là thiết bị không thể thiếu trong hầu hết các hệ thống điện

8. Các vấn đề thường gặp về cầu chì và cách khắc phục

Dưới đây là một số vấn đề thường gặp về cầu chì và cách khắc phục:

8.1. Về nhận biết cầu chì bị đứt

Cầu chì bị đứt là nguyên nhân chính khiến thiết bị ngừng hoạt động. Để nhận biết cầu chì bị đứt, bạn có thể kiểm tra bằng hai cách:

  • Bằng mắt thường: Với những cầu chì có vỏ trong suốt, bạn có thể dễ dàng nhận ra nếu dây bên trong bị đứt hoặc có dấu hiệu cháy xém. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy cầu chì đã bị hỏng và cần thay thế.
  • Sử dụng đồng hồ vạn năng: Nếu kiểm tra bằng mắt không rõ ràng, bạn có thể dùng đồng hồ vạn năng. Đặt đồng hồ ở chế độ đo thông mạch, chạm hai đầu kim vào hai đầu cầu chì. Nếu không có tín hiệu hoặc giá trị “0”, cầu chì đã bị đứt.

8.2. Về khắc phục sự cố thường gặp

  • Thiết bị không hoạt động: Khi thiết bị điện không hoạt động, việc đầu tiên bạn nên làm là kiểm tra cầu chì. Nếu phát hiện cầu chì bị đứt, hãy thay thế bằng một cầu chì mới có cùng định mức. Thông thường, việc thay cầu chì sẽ giúp thiết bị hoạt động trở lại ngay lập tức.
  • Nhiều cầu chì bị đứt liên tục: Nếu cầu chì liên tục bị đứt nhiều lần, đây có thể là dấu hiệu của tình trạng quá tải hoặc ngắn mạch trong hệ thống điện. Trong trường hợp này, việc chỉ thay cầu chì mới sẽ không giải quyết được vấn đề. Bạn cần kiểm tra và xác định nguyên nhân gây ra sự cố, sau đó khắc phục triệt để trước khi thay cầu chì mới.
Cần kiểm tra cầu chì khi gặp sự cố về điện
Khi thiết bị điện không hoạt động, việc đầu tiên bạn nên làm là kiểm tra cầu chì

8.3. Mẹo an toàn khi thay cầu chì

  • Đảm bảo ngắt nguồn điện trước khi thao tác để tránh nguy cơ giật điện.
  • Sử dụng cầu chì có định mức cao hơn sẽ không thể tự ngắt khi cần thiết, làm tăng nguy cơ cháy nổ hoặc hỏng thiết bị.
  • Nếu gặp phải các vấn đề điện phức tạp hoặc không rõ nguyên nhân, hãy tìm đến sự giúp đỡ từ thợ điện chuyên nghiệp để đảm bảo an toàn.

8.4. Mẹo bảo trì cầu chì

  • Nên kiểm tra cầu chì định kỳ để phát hiện kịp thời những vấn đề tiềm ẩn và tránh các sự cố bất ngờ.
  • Nếu cầu chì đã sử dụng lâu ngày hoặc có dấu hiệu mòn hỏng, nên chủ động thay thế trước khi nó bị đứt để đảm bảo hệ thống điện luôn hoạt động ổn định.

9. Các câu hỏi thường gặp (FAQ)

Dưới đây là giải đáp một số thắc mắc thường gặp về cầu chì.

9.1. Nên chọn cầu chì loại nào cho gia đình?

Khi chọn cầu chì cho gia đình, bạn cần chọn loại có định mức Ampe phù hợp với thiết bị điện trong nhà, cụ thể:

  • Cầu chì 5A: Phù hợp với các thiết bị có công suất nhỏ như tivi, quạt điện, đèn chiếu sáng.
  • Cầu chì 15-20A: Thích hợp cho các thiết bị có công suất lớn hơn như máy giặt, lò vi sóng, điều hòa.
  • Cầu chì 30A: Sử dụng cho các thiết bị tiêu thụ nhiều điện như bếp điện, bình nóng lạnh.

9.2. Có thể thay thế cầu chì bằng aptomat được không?

Bạn hoàn toàn thể thay thế cầu chì bằng aptomat (CB). Aptomat không chỉ thực hiện chức năng bảo vệ quá tải và ngắn mạch giống cầu chì mà còn có thể tự động ngắt và đóng lại sau khi sự cố được khắc phục, trong khi cầu chì phải được thay thế mỗi khi bị đứt. Vì vậy sử dụng aptomat là cách an toàn và tiện lợi hơn, đặc biệt đối với các hệ thống điện hiện đại.

Kết luận

Việc nắm rõ về khái niệm, cấu tạo và nguyên lý làm việc của cầu chì là điều quan trọng để đảm bảo sự an toàn cho gia đình và tài sản. Hy vọng những thông tin trong bài viết này đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích, và chủ động hơn khi xử lý sự cố liên quan cầu chì nhé!

Avatar author
Kỹ thuật viên nhà thông minh tại Lumi Việt Nam

Với niềm đam mê công nghệ và sự am hiểu sâu sắc về các giải pháp tự động hóa, tôi không ngừng khám phá và chia sẻ những thông tin hữu ích về cách biến ngôi nhà thành không gian sống tiện nghi, hiện đại và an toàn hơn.

Facebook
Hỗ trợ
Tài liệu
0904 665 965
Nhận tư vấn
Gọi ngay Zalo Messenger Báo giá
Gọi ngay Gọi ngay Zalo Zalo Messenger Messenger Báo giá Nhận báo giá